Xây dựng và kiểm tra VBQPPL
Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Hải Dương - Một số kiến nghị và đề xuất
21/06/2019 10:23:26

Tại các Sở, ban, ngành tỉnh, cán bộ pháp chế có nhiệm vụ giúp Thủ trưởng Sở, ban, ngành thực hiện nhiệm vụ rà soát văn bản, phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện kiểm tra khi có yêu cầu. Tại cấp huyện, nhiệm vụ kiểm tra, rà soát văn bản vẫn chủ yếu do Phòng Tư pháp thực hiện.

1. Thực trạng công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh Hải Dương
Trong những năm qua, công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã được quan tâm triển khai toàn diện, từ xây dựng thể chế, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm này.
Về công tác xây dựng thể chế: Sau khi Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản QPPL có hiệu lực thi hành, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND ngày 09/6/2017 Ban hành Quy chế phối hợp rà soát, hệ thống hóa, cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật văn bản của HĐND, UBND tỉnh; Quyết định số 26/2017/QĐ-UBND ngày 20/9/2017 Ban hành Quy định về xây dựng, ban hành, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND tỉnh Hải Dương.
Hàng năm, UBND tỉnh Hải Dương đều ban hành Kế hoạch kiểm tra, rà soát văn bản QPPL, là cơ sở để các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện. Kết quả thực hiện công tác rà soát văn bản QPPL hàng năm cũng là cơ sở để thực hiện chấm điểm chỉ số cải cách hành chính của các Sở, ban, ngành và UBND huyện, thành phố.
Về củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm nhiệm vụ kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật: Phòng Kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc Sở Tư pháp Hải Dương là phòng chuyên môn thực hiện nhiệm vụ tự kiểm tra, rà soát văn bản QPPL của tỉnh và tiến hành kiểm tra văn bản QPPL của HĐND, UBND các huyện, thành phố theo thẩm quyền. Hiện nay, phòng được bố trí 04 biên chế thực hiện công tác này (là Phòng chuyên môn có số lượng biên chế nhiều nhất Sở).
Tại các Sở, ban, ngành tỉnh, cán bộ pháp chế có nhiệm vụ giúp Thủ trưởng Sở, ban, ngành thực hiện nhiệm vụ rà soát văn bản, phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện kiểm tra khi có yêu cầu. Tại cấp huyện, nhiệm vụ kiểm tra, rà soát văn bản vẫn chủ yếu do Phòng Tư pháp thực hiện. Mỗi Phòng Tư pháp được giao trung bình 04 biên chế, trong đó có 01 biên chế làm nhiệm vụ liên quan đến công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL.
Về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật: Triển khai Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, Sở Tư pháp đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ trực tiếp cho 100% cán bộ làm công tác pháp chế của các sở, ngành tỉnh và cán bộ, công chức có nhiệm vụ tham mưu, soạn thảo văn bản QPPL của Hội đồng nhân dân (HĐND), UBND cấp huyện. Tham dự các lớp tập huấn nghiệp vụ, cán bộ, công chức không chỉ nắm vững các quy định mới của pháp luật về việc kiểm tra, rà soát văn bản QPPL, mà còn được tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện một cách kịp thời.
Với sự chỉ đạo sát sao của HĐND - UBND tỉnh; sự cố gắng, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, trong những năm qua, công tác kiểm tra, rà soát văn bản HĐND,UBND trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã có những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể:
Về công tác rà soát văn bản QPPL: Trong năm năm 2014-2018, UBND tỉnh Hải Dương đã bãi bỏ, thay thế 184 văn bản (cấp huyện: 232 văn bản); Các Sở, ban, ngành trình UBND tỉnh ban hành sửa đổi, bổ sung 21 văn bản và đang kiến nghị, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ 34 văn bản do có nội dung không còn phù hợp với quy định mới của pháp luật và tình hình thực tế (cấp huyện: 25 văn bản). Tính đến hết 31/12/2018, số văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh đang còn hiệu lực là 292 văn bản (cấp huyện: 207 văn bản).
Về công tác kiểm tra văn bản QPPL: Hàng năm, Sở Tư pháp đều thực hiện kiểm tra văn bản do UBND tỉnh ban hành. Theo đó, đã phát hiện nhiều văn bản còn có sai sót (Năm 2018 là: 16 văn bản). Cùng với đó, Sở Tư pháp còn tiếp nhận các văn bản của các huyện, thành phố gửi đến để thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền (Năm 2018: 29 văn bản ). Ngoài ra, tỉnh Hải Dương còn thành lập các Đoàn Kiểm tra công tác tư pháp để thực hiện kiểm tra công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL của các huyện, thành phố (trung bình mỗi năm thực hiện 03 cuộc kiểm tra tại 03 huyện, thành phố trong tỉnh).
Nhìn chung, công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã dần đi vào nền nếp; số lượng văn bản được cấp có thẩm quyền xử lý sau khi kiểm tra, rà soát tăng lên đáng kể; hệ thống văn bản QPPL của tỉnh dần đảm bảo sự thống nhất, giảm bớt sự chồng chéo, mâu thuẫn. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ này thực tế vẫn còn tồn tại những hạn chế, như: vẫn còn số lượng lớn các văn bản chưa được rà soát, xử lý kịp thời với sự thay đổi của các văn bản pháp luật mới ban hành; việc sửa đổi, bổ sung các văn bản sau khi thực hiện rà soát chưa được thực hiện kịp thời; việc xử lý văn bản trái pháp luật sau khi có kết quả kiểm tra chưa được giải quyết triệt để… Chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan, như: Nhiệm vụ rà soát văn bản quy phạm pháp luật chưa có sự quan tâm đầu tư nguồn lực tương xứng; Hệ thống văn bản QPPL của các cơ quan Trung ương thường xuyên thay đổi, các Luật được ban hành ngày càng nhiều với số lượng lớn. Theo đó, việc ngay lập tức phải sửa đổi, bổ sung, thay thế đồng thời nhiều văn bản trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế là việc làm rất khó khăn; Công tác lưu trữ, hệ thống hóa văn bản thực hiện chưa bài bản, không đầy đủ cũng gây khó khăn không nhỏ khi thực hiện nhiệm vụ rà soát văn bản QPPL.
2. Một số kiến nghị, đề xuất
Thứ nhất, cần quy định rõ trách nhiệm rà soát văn bản QPPL giữa cơ quan Tư pháp và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp. Hiện nay, theo quy định của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 giao cho UBND cấp tỉnh quy định rõ trách nhiệm này. Điều đó tạo sự chủ động cho các địa phương khi thực hiện nhưng lại không có cơ sở để bố trí biên chế chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này đối với cơ quan Tư pháp. Ở tỉnh Hải Dương, nhiệm vụ rà soát vẫn đang thực hiện theo nguyên tắc: Văn bản thuộc lĩnh vực quản lý của Sở, ban, ngành nào thì thuộc trách nhiệm rà soát của các Sở, ban, ngành đó; Sở Tư pháp là cơ quan tổng hợp, cho ý kiến vào kết quả rà soát trước khi báo cáo UBND thành phố. Quy định như vậy nhưng thực tế các Sở, ban, ngành hầu như không chủ động thực hiện rà soát. Tuy Sở Tư pháp đã thường xuyên đôn đốc nhưng hiệu quả chưa cao.
Do quy định của Trung ương về trách nhiệm rà soát văn bản chưa rõ ràng nên Sở Tư pháp không được bố trí biên chế riêng cho công tác rà soát, nhưng thực tế vẫn phải thực hiện công việc này. Vì vậy, trong thời gian tới, cần sửa đổi Nghị định số 34/2016/NĐ-CP theo hướng giao cụ thể nhiệm vụ rà soát đối với cơ quan Tư pháp, các cơ quan chuyên môn là cơ quan phối hợp.
Thứ hai, cần sớm có văn bản thay thế Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTP-BTC ngày 17/8/2011 quy định lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn QPPL. Theo đó, quy định rõ ràng, cụ thể về các mức chi cho công tác rà soát văn bản, đặc biệt là chế độ cho cán bộ làm công tác rà soát văn bản. Hiện nay, mức chi dành cho công tác kiểm tra, rà soát văn bản chưa tương xứng với các mức chi dành cho công tác xây dựng văn bản, trong khi yêu cầu giữa hai nhiệm vụ này là tương đương nhau, đơn cử như: Chi báo cáo thẩm định dự thảo văn bản của HĐND, UBND cấp tỉnh là 500.000đồng/báo cáo nhưng chi báo cáo kiểm tra văn bản trái pháp luật là 200.000đồng/báo cáo…
Thứ ba, đề nghị các cơ quan Trung ương tiếp tục quan tâm đến công tác củng cố, kiện toàn tổ chức, đội ngũ cán bộ pháp chế tại các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Việc không thành lập các Phòng Pháp chế theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP có tác động rất lớn đến thực hiện nhiệm vụ rà soát văn bản quy phạm pháp luật, vì từ trước đến nay, đây là đội ngũ cán bộ, công chức chủ yếu giúp Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thực hiện công tác rà soát văn bản. Mặt khác, cần tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ, đặc biệt khi rà soát theo các chuyên đề: Khi thực hiện rà soát theo các chuyên đề hoặc theo các Luật mới ban hành, vấn đề khó nhất là xác định được phạm vi, đối tượng văn bản đưa vào danh mục cần rà soát. Tại các Sở, ban, ngành và cấp huyện khi tiếp nhận văn bản đôn đốc rà soát của Sở Tư pháp theo Luật mới ban hành, các cơ quan thường thực hiện tổng rà soát các văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nên chất lượng rà soát không cao. Do đó, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương thực hiện những nội dung này.
Các tin mới hơn
Một số chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 04 năm 2024(29/03/2024)
Hải Dương công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương kỳ 2019 – 2023(11/03/2024)
HĐND tỉnh thông qua các nghị quyết quan trọng tại Kỳ họp thứ 20 khóa XVII(05/03/2024)
Công bố danh mục VBQPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của tỉnh Hải Dương năm 2023(19/02/2024)
Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương ban hành Kế hoạch công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật và thực hiện Đề án nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025 năm 2024 (19/02/2024)
Các tin cũ hơn
Quyết định công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành trong kỳ hệ thống hóa 2014 - 2018(20/06/2019)
Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2014-2018(20/06/2019)
Thông tư số 04/2016/TT-BTP ngày 03 tháng 3 năm 2016 quy định một số nội dung về hoạt động thống kê của Ngành Tư pháp có hiệu lực từ 1/7/2016(20/06/2019)
Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Nghị định của Chính phủ về Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật(20/06/2019)
Hải Dương tổ chức hội nghị triển khai thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015(20/06/2019)
Video
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
THƯ VIỆN ẢNH