Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp
Hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay thực trạng và giải pháp
28/11/2019 12:00:00

Pháp lý luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình khởi nghiệp của bất kỳ doanh nghiệp nào. Một doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro nếu không có nền tảng pháp lý vững chắc. Các vấn đề pháp lý mà các doanh nghiệp khởi nghiệp cần, cụ thể như sau:

– Trước thành lập doanh nghiệp: Phát triển ý tưởng thành mô hình kinh doanh, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với tài sản trí tuệ, quản trị nguồn nhân lực Startup như các thỏa thuận nên có giữa các đồng sáng lập để quản trị rủi ro, hạn chế mâu thuẫn nội bộ.
– Thành lập doanh nghiệp: các thủ tục pháp lý về thành lập doanh nghiệp, các thủ tục liên quan cần thực hiện để doanh nghiệp có thể đi vào hoạt động.
– Sau thành lập doanh nghiệp: Kênh tiếp cận các nguồn vốn, các nội dung cần chuẩn bị trước khi đàm phán với nhà đầu tư, cơ cấu vốn – cổ phần và quyền kiểm soát, rà soát, quản trị rủi ro pháp lý trong quá trình hoạt động, cơ cấu tổ chức quản lý đảm bảo doanh nghiệp phát triển bền vững, thực hiện luật lao động và bảo hiểm xã hội, giải quyết tranh chấp lao động, tranh chấp hợp đồng,..
I. Quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp
1. Nghị định số 66/2008/NĐ-CP
Ngày 28/5/2008, Chính phủ đã ký Nghị định số 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với mục tiêu xác định rõ cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, được thực hiện bằng các hình thức phù hợp, biện pháp và nội dung hỗ trợ pháp lý mà các cơ quan nhà nước phải thực hiện để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và các chương trình theo nhu cầu của từng đối tượng được hỗ trợ, nhằm định hướng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, giúp doanh nghiệp hoạt động và phát triển dựa trên một nền tảng pháp lý ổn định, chắc chắn, bền vững, lâu dài.
Nghị định quy định hai phương thức hỗ trợ pháp lý của nhà nước đối với doanh nghiệp, đó là:
Phương thức thứ nhất, hỗ trợ thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước. Đây là phương thức hỗ trợ thường xuyên được thực hiện thông qua 5 hình thức như: xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động của doanh nghiệp; xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp và tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện pháp luật.
Phương thức thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, bao gồm Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành và chương trình hỗ trợ pháp lý của Bộ, ngành và các địa phương. Đây là phương thức hỗ trợ được xác lập căn cứ vào thực trạng và nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ, ở từng địa phương, được áp dụng ưu tiên cho các đối tượng khác nhau. Phương thức này giúp khai thác được các nguồn lực và sự tham gia của các chủ thể khác ngoài cơ quan nhà nước trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
2. Quyết định 844/QĐ-TTg
Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Ðề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025"(đề án 844), tập trung vào các hoạt động như: xây dựng cổng thông tin hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương; kết nối mạng lưới khởi nghiệp, hỗ trợ, đầu tư mạo hiểm của Việt Nam với quốc tế; ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật…
Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đến năm 2025 đã có nội dung rõ ràng về pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo liên quan tới sử dụng kinh phí của Nhà nước. Mục tiêu của đề án là đến năm 2020 hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập được Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó 50 doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng. Đến năm 2025, hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.
Một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững gồm năm yếu tố cấu thành: nguồn cung là các viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học; nguồn cầu là các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp; cơ sở dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp; các nhà đầu tư; cơ sở pháp lý, hệ thống pháp luật để bảo hộ, bảo vệ cho những nhà đầu tư, cá nhân khởi nghiệp. Một trong những kênh hỗ trợ chính là không gian làm việc chung cho hàng trăm doanh nghiệp.
3. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Ngày 12/6/2017, Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo thêm cơ sở pháp lý cho việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Luật được thiết kế theo hướng các hỗ trợ trọng tâm chỉ tập trung cho 3 đối tượng doanh nghiệp, gồm Doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và Doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Về hỗ trợ, các doanh nghiệp này sẽ được hỗ trợ tiếp cận tín dụng, thuế, kế toán, hỗ trợ mặt bằng sản xuất; công nghệ, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật và khu làm việc chung, mở rộng thị trường, hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực.
4. Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 05/5/2008
Trên cơ sở Nghị định 66/2008, Bộ Tư pháp đã xây dựng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 05/5/2008 (Chương trình 585) giai đoạn 2010-2014 và Quyết định 2139/QĐ-TTg ngày 28/11/2014 giai đoạn 2015-2020, nhằm triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp là một bộ phận trong tổng thể các chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước dành cho các doanh nghiệp.
Tiếp đó, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 108/QĐ-BTP ngày 23/01/2017 và Công văn 1154/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 10/4/2017 về kế hoạch theo dõi thực hiện pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2017 được xác định là lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Bộ cũng đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để xây dựng hệ thống văn bản QPPL liên quan đến hoạt động khởi nghiệp. Bộ Tư pháp cũng đã yêu cầu các bộ, ngành có liên quan đó tập trung rà soát, tổng hợp các văn bản QPPL về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thuộc phạm vi quản lý nhà nước của các bộ ngành. Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, doanh nghiệp khởi nghiệp để tổ chức hoạt động theo dõi, hỗ trợ là các doanh nghiệp được tổ chức, hoạt động trong khoảng thời gian 02 năm (tính từ thời điểm được thành lập), với các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ thuộc lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - thương mại, thông tin - truyền thông và xây dựng.
II. Thực trạng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay
1. Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp
Với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận chính sách, thông tin pháp lý và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật, các Bộ, Sở, ngành đã biên soạn các tài liệu và chương trình để phổ biến các quy định của pháp luật. Công tác tuyên truyền, phổ biến được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa bàn, từng nhóm đối tượng khác nhau. Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, như pháp luật về đầu tư, bảo hiểm xã hội, lao động, thuế…
Đặc biệt, Chương trình 585 đã xây dựng, phát sóng hàng tuần chuyên đề ‘Kinh doanh và pháp luật’ trên Đài Tiếng nói Việt Nam (kênh VOV) và Đài Truyền hình Việt Nam (kênh VTV2), trong đó chú trọng việc tuyên truyền những thay đổi của pháp luật kinh doanh hiện hành, phân tích tác động của sự thay đổi pháp luật đó đối với hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, Chương trình đã cung cấp thực tiễn pháp lý trong kinh doanh (dưới hình thức phóng sự, phân tích của chuyên gia), những vướng mắc pháp lý doanh nghiệp thường gặp, cảnh báo những rủi ro pháp lý khi doanh nghiệp không tuân thủ các quy định pháp luật, từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Đây là Chương trình phổ biến pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp đầu tiên được phát sóng định kỳ hàng tuần trên Đài truyền hình Việt Nam, định kỳ hàng ngày trên Đài tiếng nói Việt Nam với phạm vi phủ sóng toàn quốc trong một khung thời gian phù hợp, điều này đã có tác động tích cực, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức và thói quen tuân thủ, áp dụng pháp luật của người quản lý doanh nghiệp.
Chương trình 585 đã phối hợp với Cục công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp xây dựng và đưa vào vận hành chuyên mục trang tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên Cổng Thông tin của Bộ Tư pháp với các nội dung chính: Cơ sở dữ liệu VBQPPL về lĩnh vực kinh doanh cho doanh nghiệp; Diễn đàn pháp luật kinh doanh để trao đổi về các lĩnh vực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn liên quan tới pháp luật kinh doanh; hỗ trợ pháp luật trực tuyến: sử dụng các công cụ như: hotline, qua các công cụ chat trực tuyến (skype, yahoo, MSN, Gtalk, …), xây dựng hệ thống trả lời email tự động; tích hợp với cơ sở dữ liệu hỏi đáp của Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp; các Bộ, ngành khác có liên quan (các tổ chức đại diện doanh nghiệp; Văn phòng luật sư, Công ty luật,…); Nội dung các hoạt động của các Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp gồm: Bản tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, hoạt động tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp, hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, hoạt động tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp...
Ngoài ra, nhằm thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp, các địa phương cũng tiến hành rà soát, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này và đăng công khai lên các phương tiện đại chúng để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Một số địa phương đã xây dựng và ban hành Hệ dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành theo thẩm quyền liên quan đến doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - thương mại, thông tin - truyền thông và xây dựng. Bình Phước phát hành 1000 cuốn sách Cẩm nang hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp 2017 cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ., hướng dẫn 10 tổ chức cá nân đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh vừa khai trương “Chương trình hỗ trợ thông tin về thuế cho doanh nghiệp khởi nghiệp”. Thông qua các hoạt động hỗ trợ của chương trình, cơ quan thuế sẽ cung cấp và hỗ trợ kịp thời các thông tin pháp lý, các dịch vụ liên quan cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Hội đồng nhân dân TPHCM và Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM phối hợp thực hiện chương trình phát thanh trực tiếp “Đối thoại cùng Chính quyền thành phố” với chủ đề “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp”.
2. Hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp
Các chuyên đề bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như: pháp luật về quản trị doanh nghiệp, hợp đồng, lao động và bảo hiểm xã hội, pháp luật về thuế, kế toán, pháp luật về cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, pháp luật về kinh doanh bất động sản, đầu tư, các quy định mới của Bộ luật dân sự 2015, Luật Doanh nghiệp 2015, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng ...các quy định về Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương TTP, Hiệp định tự do thương mại FTA.
Ngoài ra, các địa phương còn tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp, góp phần tăng cường năng lực chuyên môn cho đội ngũ này trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, giúp doanh nghiệp có đội ngũ tư vấn pháp luật, cố vấn pháp lý có thêm những kiến thức về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ được lãnh đạo doanh nghiệp giao. Bên cạnh đó, còn bồi dưỡng các kỹ năng như: Kỹ năng phổ biến, tuyên truyền pháp luật; kỹ năng tư vấn pháp luật; kỹ năng soạn thảo, đàm phán, ký kết hợp đồng trong kinh doanh; kỹ năng giải quyết tranh chấp trong kinh doanh.
3. Về công tác tư vấn pháp luật
Tổ chức, điều hành, quản lý hoạt động của mạng lưới tư vấn pháp luật được chia theo 03 cấp: (1) Ban Quản lý Chương trình; (2) cơ quan, tổ chức được giao trách nhiệm đầu mối đại diện tại các địa phương, (3) đội ngũ luật sư, luật gia, tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên tư vấn pháp luật, cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để trực tiếp triển khai các hoạt động của mạng lưới. Thông qua các hình thức tư vấn pháp luật cụ thể: Giải đáp bằng văn bản, giải đáp thông qua mạng điện tử, giải đáp trực tiếp, điện thoại, các doanh nghiệp đã được tư vấn, cung cấp ý kiến pháp lý để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật đối với doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, góp phần thúc đẩy sản xuất, ổn định xã hội, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh tại Việt Nam.
Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp còn được các sở, ban, ngành thực hiện thông qua nhiều hình thức như tư vấn trực tiếp qua điện thoại, tư vấn tại các tổ chức hành nghề công chứng và tổ chức hành nghề luật sư, qua mục hỏi- đáp tại các trang thông tin của các đơn vị. Đặc biệt nhiều địa phương chỉ đạo các sở, ban, ngành, lĩnh vực quản lý có liên quan tổ chức giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp, chủ động thông báo, trao đổi, hướng dẫn khi doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính tại Tổ tiếp nhận và trả kết quả; tổ chức các buổi trực tiếp hướng dẫn các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động
Một kênh rất quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay là các Tổ chức, Liên minh, các công ty luật sư, công chứng. Ví dụ: Startup Now là tổ chức nửa phi lợi nhuận giúp hỗ trợ khởi nghiệp thuộc Công ty CP Ươm tạo Doanh Nghiệp Công Nghệ Nông Lâm – Thành Viên Trung Tâm Ươm Tạo Doanh Nghiệp Đai Học Nông Lâm Tp.HCM; Saigon Innovation Hub - hỗ trợ không gian làm việc miễn phí cho startups (SIHUB) hướng đến mục tiêu trở thành hình mẫu về quản lý và vận hành vườn ươm cho các vườn ươm hiện hữu, cung cấp các hỗ trợ theo chuẩn quốc tế cho cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam, cũng như kết nối các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở TP.HCM, SIHUB, AN LUAT LAW FIRM & Angels 4 Us tài trợ hoàn toàn MIỄN PHÍ đào tạo kiến thức pháp lý trong khởi nghiệp (trong đó có phần chuyên sâu về Sở Hữu trí tuệ. Sihub cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác MOU với Công ty Cổ phần Giải pháp Liên minh Luật Việt Nam (FLF) để cùng hỗ trợ các Startup khởi nghiệp vững vàng và dễ dàng hơn…
4. Tổ chức hội thảo, tọa đàm, hội nghị đối thoại về các chuyên đề pháp luật cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Năm 2016, Chương trình 585 đã giao các đơn vị là các Sở, Ban ngành, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp tổ chức thành công 15 hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về các chuyên đề pháp luật kinh doanh, thu hút sự tham gia của trên 1.000 đại biểu tham dự (trung bình 90 đến 120 đại biểu/01 tọa đàm). Đối tượng tham gia là các chủ sở hữu doanh nghiệp, cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, luật sư, luật gia, cố vấn pháp lý tại các doanh nghiệp. Nội dung các Tọa đàm tập trung chủ yếu vào việc góp ý xây dựng, hoàn thiện các dự thảo Luật, các chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia đồng thời nêu những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực thi, áp dụng các quy quy định pháp luật như: Bộ luật tố tụng dân sự, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa...Thông qua hoạt động này, các doanh nghiệp đã được kịp thời tiếp cận thông tin, cập nhật các chính sách, văn bản, các vấn đề pháp lý mang tính thời sự, kiến thức pháp luật kinh doanh, đồng thời được trao đổi kinh nghiệm thực tiễn với các nhà quản lý, chuyên gia, góp phần phòng tránh rủi ro pháp lý, hoạch định các chiến lược đầu tư, kinh doanh phù hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, hoạt động này cũng đã thiết lập được diễn đàn trao đổi đa chiều, tạo điều kiện để cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản hồi từ phía doanh nghiệp, qua đó, có những đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện chính sách, khắc phục những lỗ hổng trong hệ thống pháp luật kinh doanh của Việt Nam.
Năm 2017, Ban Quản lý Chương trình 585 phối hợp Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp tổ chức “Tọa đàm trao đổi về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong Luật Đầu tư năm 2014, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 04 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư và các Luật chuyên ngành”; Hội nghị đối thoại “Đánh giá, trao đổi nhu cầu và mô hình hoạt động mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn”. Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (Dự án JICA) tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Đánh giá thực trạng, nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp” với mục đích rà soát, đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn và xác định nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trên phạm vi cả nước để hoàn thiện các quy định pháp luật về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và chuẩn bị cho việc triển khai chế định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017. Trung tâm Thông tin, hỗ trợ pháp luật, Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng đại diện Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho các cơ quan, tổ chức, người thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về Bộ luật dân sự 2015 và các vấn đề pháp lý liên quan đến doanh nghiệp.
Các địa phương thực hiện hoạt động này rất sôi nổi, đa dạng. UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ giữa UBND TP Hà Nội và cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo Thủ đô”. Tp.HCM tổ chức chương trình “Lãnh đạo thành phố gặp gỡ, đối thoại với doanh nhân trẻ, cá nhân khởi nghiệp”. Cần Thơ phối hợp với Đài Phát thành và Truyền hình thành phố và các ngành tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Khánh Hòa tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp. Đăk Nông bố trí cán bộ tại Trung tâm hành chính công của tỉnh để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Sở có buổi làm việc trực tiếp hộ trợ pháp lý liên quan đến công tác pháp chế của công ty Nhôm chi nhánh Đăk Nông; tổ chức hội nghị phổ biến pháp luật
Nhìn chung, triển khai thực hiện Nghị định 66/2008/NĐ-CP và các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp bước đầu đã mang lại những giá trị thiết thực cho các doanh nghiệp, đúng mục đích và yêu cầu đặt ra của Chương trình 585, qua đó đã tạo điều kiện giúp cho việc nâng cao nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp về công tác pháp chế trong doanh nghiệp; nâng cao ý thức pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực thi pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp; cán bộ pháp chế doanh nghiệp, cho cán bộ quản lý, điều hành của doanh nghiệp, phòng ngừa những tranh chấp nội bộ trong doanh nghiệp có thể xảy ra và phòng tránh rủi ro pháp lý trong kinh doanh; làm rõ những vấn đề vướng mắc từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp giúp cho doanh nghiệp càng vững vàng hơn trong hoạt động của mình, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Điều đó đã thể hiện sự quan tâm tích cực của Nhà nước đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
III. Hạn chế, nguyên nhân và giải pháp
1. Hạn chế và nguyên nhân
Khái niệm “doanh nghiệp khởi nghiệp” mặc dù được sử dụng khá phổ biến trong xã hội nhưng chưa được giải thích, quy định, hướng dẫn trong các văn bản pháp luật hiện hành dẫn đến nhận thức về khái niệm này chưa thống nhất. Hiện nay cũng chưa có văn bản nào quy định riêng về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp, mà chủ yếu triển khai theo Nghị định 66 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung. Do vậy công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp thường được tổ chức theo hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung và nội dung chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa thực sự bám sát nhu cầu của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn rất nhiều bất cập như việc triển khai Nghị định 66 còn mang tính hình thức, có sự trùng lặp các hoạt động HTPL giữa các bộ với nhau, giữa các đơn vị trong cùng 1 bộ; kinh phí còn dàn trải, chưa tập trung. Đáng chú ý mặc dù thuộc top 5 trong số 30 chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng hiệu quả của công tác HTPL cũng chỉ được doanh nghiệp “chấm điểm” đạt mức khá và trung bình…
Nhận thức về vai trò, ý nghĩa của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp còn hạn chế. Tình trạng doanh nghiệp không chú ý tới việc tìm hiểu và thực hiện pháp luật là khá phổ biến. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc cập nhật kiến thức pháp luật kinh doanh, coi nhẹ yếu tố pháp lý trong kinh doanh nên không dành thời gian cho cán bộ đi tham gia các chương trình bồi dưỡng. Một lý do lớn nhất mà các DN không tham gia các lớp bồi bưỡng là các DN thường không lo phòng tránh rủi ro trong kinh doanh mà có quan điểm là chỉ đến khi sự việc pháp lý xảy ra sẽ thuê luật sư hoặc nhờ vả các mối quan hệ để giải quyết vụ việc.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa biết cách khai thác hiệu quả các thông tin pháp luật vì hiện tại hệ thống pháp luật của chúng ta đặc biệt pháp luật về kinh tế, thương mại vừa nhiều, vừa chồng chéo và bất cập. Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước dù có sự quan tâm đến doanh nghiệp nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong phương thức để phổ biến, hướng dẫn, tổ chức thi hành pháp luật cho doanh nghiệp; nhiều thắc mắc của doanh nghiệp về nội dung các quy định của pháp luật và việc áp dụng pháp luật chưa được các cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải đáp kịp thời khiến cho việc thực thi pháp luật của doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là ý thức pháp luật, văn hóa pháp lý của nhiều người quản lý doanh nghiệp còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp còn khó khăn về nguồn lực để tiếp cận với thông tin pháp lý và tư vấn pháp luật, hoạt động hỗ trợ của các hiệp hội doanh nghiệp còn nhiều bất cập, chồng chéo, thiếu hiệu quả; các cơ quan quản lý nhà nước chưa thi hành tốt nhiệm vụ của mình trong việc tổ chức triển khai thực hiện pháp luật cho doanh nghiệp, nhiều văn bản được ban hành cùng thời điểm nhưng không nhất quán, chồng chéo cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Chất lượng thông tin mà doanh nghiệp có được chưa đầy đủ, kịp thời và độ tin cậy cao. Đa số các trang thông tin cho doanh nghiệp cung cấp các thông tin chung chung, lạc hậu, thiếu các thông tin phục vụ thiết thực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…
2. Giải pháp
Nhà nước cần quan tâm đẩy mạnh hơn các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong thời gian tới. Cụ thể như:
Thứ nhất, nghiên cứu ban hành Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để quy định chi tiết Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, đảm bảo khung pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động và cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp từ phía Nhà nước. Trong đó, đổi mới các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, kinh phí phục vụ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp sẽ do Ngân sách nhà nước cấp, có sự huy động của các nguồn lực xã hội; quy định các căn cứ để xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, như: nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp trong từng thời kỳ, tại các vùng, ngành, lĩnh vực,…; đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Thứ hai: Nâng cao năng lực, đào tạo nguồn nhân lực thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các Sở, ban, ngành, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp tại các địa phương để thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; biên soạn các bản tin, sổ tay, tài liệu về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả của hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Hỗ trợ báo cáo viên, hỗ trợ công tác tổ chức hội nghị, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho các cơ quan, tổ chức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cho cơ quan, tổ chức làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp.
Thứ ba: nâng cao chất lượng hoạt động thông tin pháp lý cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin pháp lý trong hoạt động đầu tư, kinh doanh và hội nhập, nhất là hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh trong nước và các cam kết quốc tế tác động trực tiếp đến doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật, chủ động hội nhập quốc tế của doanh nghiệp thông qua hoạt động. Phát triển Trang thông tin điện tử chính thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do Chương trình 585 chủ trì thực hiện nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời, toàn diện thông tin pháp lý có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Các Bộ có trách nhiệm tổ chức xây dựng, định kỳ cập nhật tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật có liên quan đến ngành, lĩnh vực do mình quản lý và phối hợp với các tổ chức đại diện của doanh nghiệp thực hiện việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp. Đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các Hiệp hội và hội, là các tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích của các hội viên, các hội cần chủ động phối hơp với các cơ quan nhà nước để thực hiện việc bồi dưỡng và phổ biến pháp luật.
Thứ tư: Tăng cường hỗ trợ pháp lý trực tiếp cho doanh nghiệp trên một số hoạt động cụ thể: Các Bộ cần có các hoạt động tư vấn, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp bằng nhiều hình thức: bằng văn bản, qua mạng điện tử, điện thoại, trong đó, quy định thời hạn tư vấn cụ thể, phân cấp thẩm quyền thực hiện tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách cụ thể để cơ quan chức năng và doanh nghiệp dễ thực hiện. Bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh mới cho doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho cán bộ pháp chế các doanh nghiệp.
Cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức đại diện doanh nghiệp và các đoàn luật sư, liên đoàn luật sư để cử ra các luật sư có nhiều kinh nghiệm tư vấn doanh nghiệp khởi nghiệp, trợ giúp họ trong các tình huống cụ thể và tổ chức đào tạo, giới thiệu các văn bản pháp luật mới. Triển khai hoạt động thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, ưu tiên các địa phương có địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các hình thức tư vấn trực tiếp mang lại hiệu quả cao, thiết thực cho doanh nghiệp. Ưu tiên hỗ trợ nguồn lực để xây dựng các đầu mối thực hiện mạng lưới cộng tác viên tư vấn pháp luật, bao gồm: xây dựng kế hoạch và tổ chức vận động Luật gia, Luật sư, Tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên tư vấn pháp luật tham gia mạng lưới; tổ chức và duy trì hoạt động của mạng lưới; tập huấn bồi dưỡng cộng tác viên tham gia mạng lưới.
- Về phía các doanh nghiệp: cần quan tâm hơn nữa đến công tác pháp chế; cũng cố kiện toàn tổ chức pháp chế, đội ngũ cán bộ pháp chế của doanh nghiệp; cần chủ động tìm hiểu pháp luật, coi trọng ý nghĩa của pháp luật ngay cả khi chưa xảy ra rủi ro, chú trọng nghiên cứu, khai thác nhiều kênh thông tin nhằm cập nhật những văn bản pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp kịp thời, nhằm hạn chế tối đa rủi ro và tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp mình; phát huy và sử dụng có hiệu quả quyền được tư vấn pháp luật trước khi thực hiện các hoạt động kinh doanh... Có như vậy các doanh nghiệp mới có thể phòng ngừa, chủ động trong các hoạt động kinh doanh của mình, nhất là trong điều kiện kinh tế hội nhập như hiện nay./.

Phạm Thị Hà My
Các tin mới hơn
Vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh hiện nay(30/08/2021)
Cần thiết ban hành Nghị quyết để hỗ trợ các doanh nghiệp có quy mô nhỏ bị tổn thương trước tác động tiêu cực của nền kinh tế(12/06/2020)
Thêm 3 trường hợp được miễn lệ phí môn bài(19/03/2020)
Thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng một số tập đoàn kinh tế, tổng Công ty Nhà nước(19/03/2020)
Hội nghị triển khai chương trình hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ(05/02/2020)
Các tin cũ hơn
Kết quả thực hiện nhiệm vụ nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật tại Bộ Tư pháp năm 2019(18/11/2019)
Chỉ số Tiếp cận tín dụng - Điểm sáng của Môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2019(18/11/2019)
Pháp luật kinh tế ở Hàn Quốc(01/08/2019)
Diễn đàn đối thoại về đăng ký giao dịch bảo đảm lần thứ nhất(19/06/2019)
Khi doanh nghiệp giải thể: Thi hành án trên ... giấy?(19/06/2019)
Video
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
THƯ VIỆN ẢNH