Thực hiện Công văn số 102/HHCCVVN-BTV của Ban thường vụ Hiệp Hội công chứng viên Việt Nam về việc đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã được công bố ngày 03/7/2023. Sau khi nghiên cứu và tổng hợp ý kiến góp ý của các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Hải Dương về Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Hội Công chứng viên tỉnh Hải Dương có góp ý như sau:
1. Về giải thích từ ngữ (Điều 2)
Đề nghị sửa đổi khoản 3 Điều 2 Dự thảo Luật thành: “Người yêu cầu công chứng là cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài có quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng, giao dịch có yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch theo quy định của Luật này”.
2. Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 7)
Tại khoản 2 Điều 7, đề nghị bổ sung hành vi thông đồng, liên kết của tổ chức tín dụng với tổ chức hành nghề công chứng nhằm hưởng hoa hồng, % (phần trăm) trong việc công chứng các hợp đồng bảo đảm vào hành vi bị cấm đối với cá nhân, tổ chức.
3. Về bổ nhiệm lại công chứng viên (Điều 15)
Đề nghị sửa đổi theo hướng công chứng viên bị miễn nhiệm vì phạm tội do cố ý thì không được bổ nhiệm lại công chứng viên.
4. Về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng (Điều 21)
Chọn phương án 2 quy định tại Khoản 1 Điều 21 Dự thảo là: “Văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng công chứng do hai công chứng viên trở lên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh”.
5. Về nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng (Điều 34)
Đề nghị bỏ khoản 12 Điều 34: “12. Chấp hành quy định của pháp luật về lao động, thuế, tài chính, thống kê.” vì trùng với khoản 2 tại Điều luật này.
6. Về thời hạn công chứng (Điều 44)
Tại khoản 1 Điều 44 Dự thảo Luật có quy định thời gian xác minh, giám định nội dung liên quan đến hợp đồng, giao dịch, niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, dịch giấy tờ, văn bản liên quan đến hợp đồng, giao dịch không tính vào thời hạn công chứng, tuy nhiên, lại không quy định cụ thể cách xác định thời gian đó như thế nào. Quy định này dẫn đến việc công chứng viên thỏa thuận thời hạn công chứng một cách tuỳ nghi. Đề nghị, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
7. Về ký điểm chỉ trong văn bản công chứng (Điều 49)
Khoản 2:
- Kiến nghị bỏ quy định người làm chứng, người phiên dịch được điểm chỉ thay thế cho việc ký trong trường hợp có khuyết tật hoặc không ký được, vì chúng tôi cho rằng người làm chứng, người phiên dịch phải là người đọc, viết, ký được.
- Kiến nghị bổ sung quy định đối với trường hợp người yêu cầu công chứng không thể điểm chỉ bằng tất cả các ngón tay vào Điều 49 của Dự thảo. Lý do: trong thực tế sẽ gặp trường hợp nêu trên, mà công chứng viên không có cách xử lý.
8. Về sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng (Điều 51)
Tại khoản 3 Điều 51 Dự thảo Luật quy định: “Công chứng viên có trách nhiệm sửa lỗi kỹ thuật đối với tất cả các bản chính của văn bản công chứng, trừ trường hợp không thể thu hồi được bản chính để thực hiện việc sửa lỗi; phải thông báo việc sửa lỗi kỹ thuật đó cho tất cả những người tham gia hợp đồng, giao dịch”. Tuy nhiên, lại không quy định cụ thể trường hợp không thể thu hồi được tất cả bản chính; không quy định cụ thể cách thức thông báo việc sửa lỗi kỹ thuật đó cho tất cả những người tham gia hợp đồng, giao dịch sẽ dẫn đến việc tuỳ tiện hoặc tính khả thi thấp.
9. Về công chứng việc sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng, giao dịch (Điều 52)
Kiến nghị bổ sung quy định thẩm quyền công chứng văn bản sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng ủy quyền trong trường hợp Hợp đồng ủy quyền được công chứng ở hai tổ chức hành nghề công chứng theo quy định tại khoản 2 Điều 56 của Dự thảo.
10. Về hồ sơ công chứng (Điều 66)
Tại khoản 1 Điều 66 Dự thảo kiến nghị giữ nguyên quy định Phiếu yêu cầu công chứng là thành phần của hồ sơ công chứng vì Phiếu yêu cầu công chứng thể hiện ý chí của người yêu cầu công chứng trong việc lựa chọn hình thức hợp đồng giao dịch mà mình mong muốn tham gia giao kết nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia giao kết hợp đồng giao dịch. Bên cạnh đó, khi phát sinh tranh chấp Phiếu yêu cầu công chứng được coi là cơ sở để Tòa án xác định yếu tố lỗi của các bên trong việc yêu cầu công chứng hợp đồng giao dịch. Đồng thời có sự thống nhất giữa các Điều, Khoản quy định trong Luật này (điểm a khoản 1 Điều 41 quy định Hồ sơ yêu cầu công chứng gồm có Phiếu yêu cầu công chứng nhưng tại khoản 1 Điều 66 quy định về hồ sơ công chứng thì không có quy định phải có phiếu yêu cầu công chứng).
11. Về lưu trữ hồ sơ công chứng (Điều 67)
Tại khoản 3 Điều 67 Dự thảo Luật cần phải có quy định cụ thể trong trường hợp hồ sơ công chứng đã được tiêu huỷ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Tại khoản 5 Điều 67 Dự thảo Luật đề nghị bổ sung quy định việc tiếp nhận hồ sơ công chứng trong trường hợp này để đảm bảo thuận lợi, cũng như giảm chi phí cho tổ chức, cá nhân.
12. Về giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng (Điều 70)
Khoản 1, điểm c: Đề nghị bổ sung vào điểm c khoản 1 Điều 70 Dự thảo nội dung sau: “Đề nghị làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm”; chỉnh lý thành: “ c) Đề nghị làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm; đề nghị làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản là đối tượng của hợp đồng, giao dịch được công chứng”. Do trong thực tiễn nhu cầu này của người yêu cầu công chứng lớn, giúp giảm chi phí và thời gian cho xã hội.