Tài liệu tuyên truyền PL
Tìm hiểu quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
06/08/2020 12:00:00

Cơ sở pháp lý:

- Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, hiệu lực từ 01/01/2015 (sau đây gọi tắt là Luật năm 2014);

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2019, hiệu lực từ 01/7/2020 (sau đây gọi tắt là Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019);

- Nghị định số 75/2020/NĐ-CP ngày 01/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Câu hỏi 1: Đề nghị cho biết nguyên tắc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 4 Luật năm 2014, người nước ngoài khi nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

1. Tuân thủ quy định của Luật này, các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

2. Tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, bình đẳng trong quan hệ quốc tế.

3. Bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi cho người nước ngoài; chặt chẽ, thống nhất trong quản lý hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

4. Người nước ngoài có nhiều hộ chiếu chỉ được sử dụng một hộ chiếu để nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

Câu hỏi 2: Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nghiêm cấm những hành vi nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 5 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:

1. Cản trở người nước ngoài và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

2. Đặt ra thủ tục, giấy tờ, các khoản thu trái với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; sách nhiễu, gây phiền hà trong việc làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

3. Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú trái phép tại Việt Nam; làm giả, sử dụng giấy tờ giả để nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

4. Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

5. Lợi dụng việc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam để chống lại nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

6. Mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, tẩy, xóa, sửa chữa nội dung giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú để người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

Câu hỏi 3: Đề nghị cho biết hình thức và giá trị sử dụng của thị thực mà Việt Nam cấp cho người nước ngoài?

Trả lời: Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019, hình thức và giá trị sử dụng của thị thực mà Việt nam cấp cho người nước ngoài được quy định như sau:

1. Thị thực được cấp vào hộ chiếu, cấp rời hoặc cấp qua giao dịch điện tử. Thị thực cấp qua giao dịch điện tử là thị thực điện tử.

2. Thị thực được cấp riêng cho từng người, trừ các trường hợp sau đây:

a) Cấp thị thực theo cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ đối với trẻ em dưới 14 tuổi chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ;

b) Cấp thị thực theo danh sách xét duyệt nhân sự của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài tham quan, du lịch bằng đường biển hoặc quá cảnh đường bin có nhu cầu vào nội địa tham quan, du lịch theo chương trình do doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại Việt Nam tổ chức; thành viên tàu quân sự nước ngoài đi theo chương trình hoạt động chính thức của chuyến thăm ngoài phạm vi tnh, thành phtrực thuộc trung ương nơi tàu, thuyền neo đậu.

3. Thị thực có giá trị một lần hoặc nhiều lần; thị thực điện tử và thị thực cấp cho trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này có giá trị một lần.

Câu hỏi 4: Thị thực của Việt Nam cấp cho người nước ngoài được chuyển mục đích trong những trường hợp nào?

Trả lời: Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019, thị thực không được chuyển đổi mục đích, trừ các trường hợp sau đây:

a) Có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư hoặc người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam;

b) Có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với cá nhân mời, bảo lãnh;

c) Được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động;

d) Nhập cảnh bằng thị thực điện tử và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cp giy phép lao động theo quy đnh của pháp luật về lao động.

Trường hợp chuyển đổi mục đích thị thực thì được cp thị thực mới có ký hiệu, thời hạn phù hợp với mục đích được chuyển đổi

Câu hỏi 5: Thời hạn thị thực của Việt Nam cấp cho người nước ngoài được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 9 Luật năm 2014 và khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019, thời hạn thị thực của Việt Nam cấp cho người nước ngoài được quy định cụ thể như sau:

1. Thị thực ký hiệu SQ, EV có thời hạn không quá 30 ngày.

2. Thị thực ký hiệu HN, DL có thời hạn không quá 03 tháng.

3. Thị thực ký hiệu VR có thời hạn không quá 06 tháng.

4. Thị thực ký hiệu NG1, NG2, NG3, NG4, LV1, LV2, ĐT4, DN1, DN2, NN1, NN2, NN3, DH, PV1, PV2 và TT có thời hạn không quá 12 tháng.

5. Thị thực ký hiệu LĐ1, LĐ2 có thời hạn không quá 02 năm.

5a. Thị thực ký hiệu ĐT3 có thời hạn không quá 03 năm.

6. Thị thực ký hiệu LS, ĐT1, ĐT2 có thời hạn không quá 05 năm.

7. Thị thực hết hạn, được xem xét cấp thị thực mới.

8. Thời hạn thị thực ngắn hơn thời hạn hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế ít nhất 30 ngày.

9. Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thời hạn thị thực cấp theo điều ước quốc tế.

Câu hỏi 6: Điều kiện cấp thị thực cho người nước ngoài tại Việt Nam?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 10 Luật năm 2014 và khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019, điều kiện để người nước ngoài tại Việt Nam được cấp thị thực bao gồm:

1. Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.

2. Có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh, trừ trường hợp quy định tại Điều 16a, Điều 16b và khoản 3 Điều 17 của Luật này.

3. Không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật này.

4. Các trường hợp sau đây đề nghị cấp thị thực phải có giấy tờ chứng minh mục đích nhập cảnh:

a) Người nước ngoài vào đầu tư phải có giấy tờ chứng minh việc đầu tư tại Việt Nam theo quy định của Luật đầu tư;

b) Người nước ngoài hành nghề luật sư tại Việt Nam phải có giấy phép hành nghề theo quy định của Luật luật sư;

c) Người nước ngoài vào lao động phải có giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật lao động;

d) Người nước ngoài vào học tập phải có văn bản tiếp nhận của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục của Việt Nam.

5. Thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài có hộ chiếu và không thuộc diện quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 8 của Luật này.

Câu hỏi 7: Người nước ngoài tại Việt Nam được miễn thị thực trong những trường hợp nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 12 Luật năm 2014 và khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019, các trường hợp được miễn thị thực bao gồm:

1. Theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

2. Sử dụng thẻ thường trú, thẻ tạm trú theo quy định của Luật này.

3. Vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

3a. Vào khu kinh tế ven biển do Chính phủ quyết định khi đáp ứng đủ các điều kiện: có sân bay quốc tế; có không gian riêng biệt; có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

4. Theo quy định tại Điều 13 của Luật này.

5. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và người nước ngoài là vợ, chồng, con của họ; người nước ngoài là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam được miễn thị thực theo quy định của Chính phủ.

Câu hỏi 8: Người nước ngoài muốn nhập cảnh vào Việt Nam phải đảm bảo những điều kiện gì?

Trả lời: Về điều kiện nhập cảnh, tại khoản 12 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 quy định: Người nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam phải đảm bảo các điều kiện sau:

- Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực, trừ trường hợp được miễn thị thực theo quy định của Luật này.

Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 06 tháng;

- Không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật này.

Ngoài ra, người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử nhập cảnh thì ngoài các điều kiện trên còn phải nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế do Chính phủ Việt Nam quyết định

Câu hỏi 9: Những trường hợp nào người nước ngoài chưa được nhập cảnh vào Việt Nam?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 21 Luật năm 2014, các trường hợp chưa cho nhập cảnh vào Việt Nam bao gồm:

1. Không đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này.

2. Trẻ em dưới 14 tuổi không có cha, mẹ, người giám hộ hoặc người được ủy quyền đi cùng.

3. Giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú.

4. Người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.

5. Bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực.

6. Bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam chưa quá 06 tháng kể từ ngày quyết định buộc xuất cảnh có hiệu lực.

7. Vì lý do phòng, chống dịch bệnh.

8. Vì lý do thiên tai.

9. Vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Câu hỏi 10: Người nước ngoài được xuất cảnh phải đảm bảo những điều kiện gì?

Trả lời: Theo quy định tại khoản 12 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019, người nước ngoài được xuất cảnh khi có đủ các điều kiện sau:

- Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế;

- Chứng nhận tạm trú, thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú còn giá trị;

- Không thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh quy định tại Điều 28 của Luật này.

Ngoài ra, người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử xuất cảnh phải đủ các điều kiện quy định nêu trên đồng thời phải xuất cảnh qua các cửa khẩu quốc tế do Chính phủ Việt Nam quyết định.

Câu hỏi 11: Quá cảnh là gì? Điều kiện để người nước ngoài được quá cảnh?

Trả lời: Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật năm 2014, quá cảnh là việc người nước ngoài đi qua hoặc lưu lại khu vực quá cảnh tại cửa khẩu quốc tế của Việt Nam để đi nước thứ ba.

Đồng thời, tại Điều 23 Luật quy định: Người nước ngoài được quá cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế;

- Vé phương tiện phù hợp với hành trình đi nước thứ ba;

- Thị thực của nước thứ ba, trừ trường hợp được miễn thị thực.

Câu hỏi 12: Việc cấp chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam được quy định như thế nào? Hình thức cấp chứng nhận tạm trú?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 31 Luật năm 2014 và khoản 13 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019, việc cấp chứng nhận thạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam được quy định như sau:

1. Người nước ngoài nhập cảnh không có thẻ thường trú, thẻ tạm trú còn giá trị sử dụng thì được cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu với thời hạn như sau:

a) Thời hạn tạm trú cấp bằng thời hạn thị thực; trường hợp thị thực có ký hiệu DL thời hạn trên 30 ngày thì cấp tạm trú 30 ngày và được xem xét gia hạn tạm trú theo quy định tại Điều 35 của Luật này;

b) Đối với người được miễn thị thực theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì thời hạn tạm trú cấp theo quy định của điều ước quốc tế, nếu điều ước quốc tế không quy định thời hạn tạm trú thì cấp tạm trú 30 ngày;

c) Đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực thì cấp tạm trú 15 ngày, nếu vào đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt hoặc khu kinh tế ven biển quy định tại khoản 3a Điều 12 của Luật này thì cấp tạm trú theo quy định tại điểm d khoản này;

d) Đối với người không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này vào khu kinh tế cửa khẩu thì cấp tạm trú 15 ngày, vào đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt hoặc khu kinh tế ven biển quy định tại khoản 3a Điều 12 của Luật này thì cấp tạm trú 30 ngày.

2. Người nước ngoài được tạm trú tại Việt Nam trong thời hạn chứng nhận tạm trú được cấp.

3. Thời hạn tạm trú có thể bị cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hủy bỏ hoặc rút ngắn trong trường hợp người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam.

Về hình thức cấp chứng nhận tạm trú, tại Điều 5 Nghị định số 75/2020/NĐ-CP ngày 01/7/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 quy định:

- Đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh cấp chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh bằng hình thức đóng dấu vào hộ chiếu hoặc thị thực rời, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

- Đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh không cấp chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh qua cổng kiểm soát tự động.

Câu hỏi 13: Việc khai báo tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam được quy định như thế nào?

Trả lời: Tại Điều 33 Luật năm 2014 quy định việc khai báo tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam như sau:

1. Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú.

2. Người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm ghi đầy đủ nội dung mẫu phiếu khai báo tạm trú cho người nước ngoài và chuyển đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 giờ, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn là 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến cơ sở lưu trú.

3. Cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn phải nối mạng Internet hoặc mạng máy tính với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để truyền thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài. Cơ sở lưu trú khác có mạng Internet có thể gửi trực tiếp thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài theo hộp thư điện tử công khai của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

4. Người nước ngoài thay đổi nơi tạm trú hoặc tạm trú ngoài địa chỉ ghi trong thẻ thường trú thì phải khai báo tạm trú theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Câu hỏi 14: Người nước ngoài tại Việt Nam được xét thường trú trong những trường hợp nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 39 Luật năm 2014, các trường hợp được xét cho thường trú bao gồm:

1. Người nước ngoài có công lao, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam được nhà nước Việt Nam tặng huân chương hoặc danh hiệu vinh dự nhà nước.

2. Người nước ngoài là nhà khoa học, chuyên gia đang tạm trú tại Việt Nam.

3. Người nước ngoài được cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh.

4. Người không quốc tịch đã tạm trú liên tục tại Việt Nam từ năm 2000 trở về trước.

Câu hỏi 15: Thủ tục giải quyết cho người nước ngoài thường trú tại Việt Nam?

Trả lời: Tại Điều 41 Luật năm 2014 quy định:

1. Người nước ngoài đề nghị cho thường trú làm thủ tục tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn xin thường trú;

b) Lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân cấp;

c) Công hàm của cơ quan đại diện của nước mà người đó là công dân đề nghị Việt Nam giải quyết cho người đó thường trú;

d) Bản sao hộ chiếu có chứng thực;

đ) Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện được xét cho thường trú quy định tại Điều 40 của Luật này;

e) Giấy bảo lãnh đối với người nước ngoài quy định tại khoản 3 Điều 39 của Luật này.

2. Trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định cho thường trú; trường hợp xét thấy cần phải thẩm tra bổ sung thì có thể kéo dài thêm nhưng không quá 02 tháng.

3. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kết quả giải quyết cho người xin thường trú và Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người nước ngoài xin thường trú.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người nước ngoài xin thường trú thông báo người nước ngoài được giải quyết cho thường trú.

5. Trong thời hạn 03 tháng kể từ khi nhận được thông báo giải quyết cho thường trú, người nước ngoài phải đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi xin thường trú để nhận thẻ thường trú.

Câu hỏi 16: Quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam?

Trả lời: Tuỳ từng đối tượng, người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 44 Luật năm 2014, cụ thể như sau:

+ Quyền:

- Được bảo hộ tính mạng, danh dự, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam trong thời gian cư trú trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Người có thẻ tạm trú được bảo lãnh ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con vào Việt Nam thăm; được bảo lãnh vợ, chồng, con dưới 18 tuổi ở cùng trong thời hạn thẻ tạm trú nếu được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người đó đồng ý;

- Người có thẻ thường trú được bảo lãnh ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con vào Việt Nam thăm;

- Người đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam được đi lại trên lãnh thổ Việt Nam, được kết hợp du lịch, thăm người thân, chữa bệnh không phải xin phép; trường hợp vào khu vực cấm hoặc khu vực hạn chế đi lại, cư trú thực hiện theo quy định của pháp luật;

- Thuyền viên trên các tàu, thuyền nhập cảnh Việt Nam được đi bờ trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tàu, thuyền neo đậu; trường hợp đi ra ngoài phạm vi trên hoặc xuất cảnh khỏi lãnh thổ Việt Nam qua các cửa khẩu khác thì được xét cấp thị thực;

- Vợ, chồng, con cùng đi theo nhiệm kỳ của thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ được lao động nếu có giấy phép lao động, trừ trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động; được học tập nếu có văn bản tiếp nhận của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục;

- Người đang học tập tại các trường hoặc cơ sở giáo dục theo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế được kết hợp lao động nếu có văn bản cho phép của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục;

- Người không quốc tịch thường trú ở nước ngoài được nhập cảnh Việt Nam du lịch, thăm người thân;

- Người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam có nhu cầu xuất cảnh được Bộ Công an xem xét cấp giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.

+ Nghĩa vụ:

- Tuân thủ pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của Việt Nam;

- Hoạt động tại Việt Nam phải phù hợp với mục đích nhập cảnh;

- Khi đi lại phải mang theo hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ liên quan đến cư trú tại Việt Nam và phải xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

- Người nước ngoài thường trú nếu xuất cảnh đến thường trú ở nước khác phải nộp lại thẻ thường trú cho đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu.

Câu hỏi 17: Quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh?

Trả lời: Về quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh, Điều 45 Luật năm 2014 quy định như sau:

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh có các quyền sau đây:

a) Cơ quan, tổ chức được thành lập hợp pháp tại Việt Nam được mời, bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, lĩnh vực hoạt động;

b) Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước được mời, bảo lãnh ông, bà, cha, mẹ của vợ hoặc chồng; vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột là người nước ngoài vào Việt Nam thăm;

c) Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước được bảo lãnh cha, mẹ, vợ, chồng, con là người nước ngoài xin thường trú hoặc xin cấp thẻ tạm trú tại Việt Nam.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh có các trách nhiệm sau đây:

a) Làm thủ tục mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú theo quy định của Luật này;

b) Hướng dẫn, giải thích cho người nước ngoài chấp hành quy định của pháp luật và tôn trọng truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của Việt Nam;

c) Thực hiện trách nhiệm bảo lãnh theo quy định của pháp luật và phối hợp với cơ quan chức năng của Việt Nam giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến người nước ngoài đã mời, bảo lãnh;

d) Phối hợp với cơ quan chức năng về quản lý hoạt động của người nước ngoài theo đúng mục đích nhập cảnh trong thời gian tạm trú tại Việt Nam; phối hợp với cơ sở lưu trú thực hiện việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài;

đ) Làm thủ tục với cơ quan quản lý nhà nước về ngành, nghề, lĩnh vực quy định phải xin phép trước khi mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để hoạt động trong các ngành, nghề, lĩnh vực đó;

e) Thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh về việc người nước ngoài được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú còn thời hạn nhưng không còn nhu cầu bảo lãnh trong thời gian tạm trú tại Việt Nam và phối hợp với cơ quan chức năng yêu cầu người nước ngoài xuất cảnh./.

Các tin mới hơn
Một số điểm mới của Luật Giao dịch điện tử năm 2023(01/08/2023)
Quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ(02/06/2023)
Tài liệu tuyên truyền, phổ biến trên hệ thống truyền thanh cơ sở. (11/04/2023)
Văn phòng chính phủ ban hành Thông tư 01/2023/TT-VPCP 2023 về số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trên môi trường điện tử(07/04/2023)
Video bài giảng tập huấn nghiệp vụ về hòa giải cơ sở(28/09/2021)
Các tin cũ hơn
Mức phạt vi phạm hành chính về thương mại điện tử(17/07/2020)
Quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp(17/07/2020)
Ban Bí thư ban hành Kết luận về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật(06/07/2020)
Một số Luật có hiệu lực từ ngày 1.7.2020(01/07/2020)
Trình tự, thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (03/06/2020)
Video
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
THƯ VIỆN ẢNH