Hành chính tư pháp
Một số điểm mới đáng chú ý của Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28 tháng 5 năm 2020 của Bộ Tư pháp về hộ tịch
03/07/2020 04:16:56

Sau hơn 05 năm được áp dụng, Thông tư 15/2015/TT-BTP đã được Bộ Tư pháp thay thế bởi Thông tư 04/2020/TT-BTP. Thông tư 04 có hiệu lực từ ngày 16/7/2020 với nhiều điểm mới đáng chú ý, được cho là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện thủ tục hành chính.

 Một là: Ông bà hoặc người thân thích đi khai sinh cho trẻ em không cần giấy ủy quyền

Về việc ủy quyền đăng ký hộ tịch, theo khoản 2, Điều 2 Thông tư 15/2015/TT-BTP có quy định như sau: “Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người uỷ quyền”

Kế thừa quy định này, Khoản 1, Điều 2 Thông tư 04/2020/TT-BTP cũng quy định trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải chứng thực. Đồng thời, Thông tư 04 đã bổ sung quy định sau: “Trường hợp người đi đăng ký khai sinh cho trẻ em là ông, bà, người thân thích khác theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật Hộ tịch thì không phải có văn bản ủy quyền của cha, mẹ trẻ em, nhưng phải thống nhất với cha, mẹ trẻ em về các nội dung khai sinh.

Theo quy định tại Khoản 19, Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình thì : “Người thân thích là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời”.

Như vậy, kể từ ngày 16/7/2020, khi Thông tư 04 của Bộ Tư pháp có hiệu lực, ông bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em đi đăng ký khai sinh cho trẻ không cần có văn bản ủy quyền của cha, mẹ trẻ.
            Hai là: Quy định cụ thể hơn việc Người yêu cầu đăng ký hộ tịch nộp hồ sơ, giấy tờ

Theo khoản 3, Điều 3 Thông tư 15/2020/TT-BTP quy định “Trường hợp người yêu cầu đăng ký hộ tịch nộp bản sao không được chứng thực kèm theo bản chính giấy tờ để đối chiếu thì người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu bản sao với bản chính và ký xác nhận, không được yêu cầu người đi đăng ký hộ tịch nộp bản sao có chứng thực của giấy tờ đó”.

Kế thừa quy định này, đề phù hợphơn với tình hình hiện nay, đảm bảo thuận tiện cho người dân khi đi đăng ký hộ tịch thì Thông tư 04/2020/TT-BTP đã quy định cụ thể hơn như: “Người yêu cầu đăng ký hộ tịch có thể nộp bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc (sau đây gọi là bản sao) hoặc bản chụp kèm theo bản chính giấy tờ để đối chiếu. Trường hợp người yêu cầu nộp bản chụp kèm theo bản chính giấy tờ thì người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu bản chụp với bản chính và ký xác nhận, không được yêu cầu nộp bản sao giấy tờ đó”

Ba là: Nội dung đăng ký khai sinh được quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn.

Nội dung đăng ký khai sinh trước đây được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Hộ tịch, khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP , chưa có hướng dẫn cụ thể trường hợp cha mẹ không thỏa thuận được họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em thì xác định theo tập quán là như thế nào?

Khắc phục hạn chế này, Thông tư 04/2020/TT-BTP đã hướng dẫn cụ thể nội dung trên như sau: “Việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng.

- Trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được về họ, dân tộc, quê quán của con khi đăng ký khai sinh thì họ, dân tộc, quê quán của con được xác định theo tập quán nhưng phải bảo đảm theo họ, dân tộc, quê quán của cha hoặc mẹ”
 Như vậy, sau ngày Thông Tư này có hiệu lực việc đặt tên con quá dài, khó sử dụng hoặc xác định tên, họ của con theo tập quán mà không đảm bảo theo họ, dân tộc, quê quán của cha hoặc mẹ là vi phạm pháp luật.

Bốn là: Hướng dẫn cụ thể cấp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân bị mất

Việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trước đây được thực hiện theo quy định tại Điều 21, Điều 22, Điều 23 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP. Sau ngày thông tư này có hiệu lực thì việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân còn được thực hiện theo hướng dẫn sau đây:

Trường hợp người yêu cầu cấp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn mà không nộp lại được Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã được cấp trước đây thì giải quyết như sau (trước đây chưa quy định rõ):

- Người yêu cầu phải trình bày rõ lý do không nộp lại được Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký hộ tịch có văn bản trao đổi với nơi dự định đăng ký kết hôn trước đây để xác minh.

- Trường hợp không xác minh được hoặc không nhận được kết quả xác minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch cho phép người yêu cầu lập văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư này. (Nội dung trên được quy định tại Điều 12 Thông tư 04/2020/TT-BTP)

Năm là Cụ thể hóa quy định chứng cứ chứng minh cha, mẹ, con

Theo quy định tại tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật Hộ tịch thì Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con phải nộp … chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con. Nhưng “chứng cứ” như thế nào thì chưa quy định rõ dẫn đến khó khăn vướng mắc trong thực tế xử lý. Để khắc phục hạn chế này tại Điều 14 Thông tư số 04/2020/TT-BTP đã quy định như sau: 

“Chứng cứ” để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

- Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

- Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con (trước đây, ngoài văn bản cam đoan thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con).
            Sáu là: Bổ sung trường hợp khai sinh cho con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nhưng không được thừa nhận là con chung (quy định tại khoản 4, Điều 16 Thông tư 04/2020/TT-BTP)

Trường hợp con do người vợ sinh ra hoặc có thai trong thời kỳ hôn nhân nhưng vợ hoặc chồng không thừa nhận là con chung hoặc người khác muốn nhận con thì do Tòa án nhân dân xác định theo quy định pháp luật.

Trường hợp Tòa án nhân dân từ chối giải quyết thì cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em chưa xác định được cha hoặc đăng ký nhận cha, con, hồ sơ phải có văn bản từ chối giải quyết của Tòa án và chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Thông tư này.

 Bẩy là: Thêm quy định về cải chính hộ tịch và bổ sung thông tin hộ tịch

Việc cải chính hộ tịch chỉ được giải quyết sau khi xác định có sai sót khi đăng ký hộ tịch (sai sót của người đi đăng ký hộ tịch hoặc sai sót của cơ quan đăng ký hộ tịch…); không cải chính nội dung trên giấy tờ hộ tịch đã được cấp hợp lệ nhằm hợp thức hóa thông tin trên hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác...

Giấy tờ hộ tịch được cấp hợp lệ kể từ ngày 01/01/2016 mà thông tin hộ tịch còn thiếu thì được bổ sung, nếu có giấy tờ, tài liệu do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hợp lệ chứng minh.

Trường hợp cá nhân đã được đăng ký khai sinh trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 nhưng Giấy khai sinh, Sổ đăng ký khai sinh không ghi ngày, tháng sinh thì được bổ sung ngày, tháng sinh theo Giấy chứng sinh hoặc văn bản xác nhận của cơ sở y tế nơi cá nhân sinh ra…

Chi tiết của nội dung này được quy định cụ thể từ Điều 17 đến Điều 20 của Thông Tư 04/2020/TT-BTP./.

Hoàng Xuân Thủy 
Các tin mới hơn
Bổ sung quy định thời hạn giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của công dân Pháp(31/01/2024)
Thông tư số 07/2023/TT-BTP sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2020/TT-BTP ngày 28/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về nuôi con nuôi(28/11/2023)
Danh sách Cộng tác viên dịch thuật của Phòng Tư pháp huyện Thanh Miện(14/11/2023)
Triển khai Bộ tiêu chí theo dõi tình hình thực hiện việc nuôi con nuôi trong nước(16/10/2023)
Triển khai Bộ tiêu chí theo dõi tình hình thực hiện việc nuôi con nuôi trong nước (16/10/2023)
Các tin cũ hơn
Thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung; thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực quốc tịch thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp(18/06/2020)
Những điểm mới của Thông tư số 01/2020/TT-BTP hướng dẫn về chứng thực(08/04/2020)
Danh sách công chức làm đầu mối thực hiện công tác bồi thường nhà nước của tỉnh Hải Dương(06/04/2020)
Sở Tư pháp triển khai thực hiện Kế hoạch đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; Kế hoạch bảo vệ và chăm sóc trẻ em năm 2020(01/04/2020)
Tỉnh Hải Dương triển khai thực hiện Nghị định số 16/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam(18/03/2020)
Video
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
THƯ VIỆN ẢNH