Họ và tên:Lâm Thị Mỹ Dạ
Địa chỉ:
Ngày hỏi:4/25/2018 12:00:00 AM
Tiêu đề:Hỏi - Đáp về luật bồi thường nhà nước (Phần I)
Lĩnh vực:Bồi thường nhà nước
Nội dung câu hỏi: Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (TNBTCNN) năm 2017 có kết cấu, bố cục như thế nào:
Câu trả lời:

Luật TNBTCNN năm 2017 có 9 Chương và 78 Điều, cụ thể:

Chương I - Những quy định chung, gồm 16 Điều (từ Điều 1 đến Điều 16), quy định về: phạm vi điều chỉnh; đối tượng được bồi thường; giải thích từ ngữ; nguyên tắc bồi thường của Nhà nước; quyền yêu cầu bồi thường; thời hiệu yêu cầu bồi thường; căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường; quyền và nghĩa vụ của người yêu cầu bồi thường; quyền và nghĩa vụ của người thi hành công vụ gây thiệt hại; trách nhiệm của cơ quan giải quyết bồi thường và các hành vi bị nghiêm cấm trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường.

Chương II - Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, gồm 5 Điều (từ Điều 17 đến Điều 21), quy định về: phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, hoạt động tố tụng hình sự, hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, hoạt động thi hành án hình sự và hoạt động thi hành án dân sự.

Chương III - Thiệt hại được bồi thường, gồm 11 Điều (từ Điều 22 đến Điều 32), quy định về: xác định thiệt hại; thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết; thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm; thiệt hại về tinh thần; các phí phí khác được bồi thường; khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác đối với người bị thiệt hại; trả lại tài sản; phục hồi danh dự và các thiệt hại Nhà nước không bồi thường.

Chương IV - Cơ quan giải quyết bồi thường, gồm 8 Điều (từ Điều 33 đến Điều 40), quy định về: cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, hoạt động tố tụng hình sự, hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, hoạt động thi hành án hình sự, hoạt động thi hành án dân sự và xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong một số trường hợp cụ thể.

Chương V - Thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường, gồm 19 Điều (từ Điều 41 đến Điều 59), quy định về: giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại; giải quyết vụ án dân sự về yêu cầu bồi thường; giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án; phục hồi danh dự.

Chương VI - Kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả, gồm 4 Điều (từ Điều 60 đến Điều 63), quy định về: kinh phí bồi thường; lập dự toán kinh phí bồi thường; cấp phát kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường; quyết toán kinh phí bồi thường.

Chương VII - Trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ, gồm 9 Điều (từ Điều 64 đến Điều 72), quy định về: nghĩa vụ hoàn trả của người thi hành công vụ; xác định mức hoàn trả, giảm mức hoàn trả; thẩm quyền, thủ tục xác định trách nhiệm hoàn trả; quyết định hoàn trả, quyết định giảm mức hoàn trả; thực hiện việc hoàn trả; xử lý tiền đã hoàn trả, trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường không còn là căn cứ yêu cầu bồi thường; trách nhiệm thu hồi tiền hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại chuyển sang cơ quan, tổ chức khác; trách nhiệm thu hồi tiền hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại đã nghỉ hưu, nghỉ việc; trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại chết

Chương VIII - Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước, gồm 3 Điều (từ Điều 73 đến Điều 75), quy định về: trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước; trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Chương IX – Điều khoản thi hành, gồm 3 Điều (từ Điều 76 đến Điều 78), quy định về: án phí, lệ phí, các loại phí khác và thuế trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường; hiệu lực thi hành; điều khoản chuyển tiếp

Hỏi: Thời hiệu quy định bồi thường của Luật TNBTCNN:

Đáp: Luật TNBTCNN năm 2017 sửa đổi toàn diện quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường như sau:

- Tăng thời hiệu yêu cầu bồi thường từ 2 năm lên 3 năm (khoản 1 Điều 6).

Việc Luật tăng thời hiệu yêu cầu bồi thường là để bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 588 BLDS năm 2015 về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường.

-Bổ sung quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính (khoản 2 Điều 6).

Việc Luật bổ sung quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính là để phù hợp với quy định về các cơ chế giải quyết bồi thường tại Điều 4 của Luật, trong đó có cơ chế giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.

-Bổ sung quy định về thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường (khoản 3 Điều 6) và nghĩa vụ chứng minh của người yêu cầu bồi thường đối với khoảng thời gian không tính vào thời hiệu (khoản 4 Điều 6).

Quy định này được bổ sung là bởi Luật TNBTCNN 2009 không có quy định về các khoảng thời gian không tính vào thời hiệu. Điều này là chưa phù hợp với BLDS năm 2005. Chính vì vậy, ở một số Thông tư liên tịch hướng dẫn Luật TNBTCNN đã có hướng dẫn về các khoảng thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường nhằm bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại. Tại lần sửa đổi này, Luật đã kế thừa các quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật TNBTCNN 2009 về các khoảng thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường. Quy định này cũng phù hợp với quy định của BLDS năm 2015

Điều 6. Thời hiệu yêu cầu bồi thường

1. Thời hiệu yêu cầu bồi thường là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 5 của Luật này nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 52 của Luật này và trường hợp yêu cầu phục hồi danh dự.

2. Thời hiệu yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính được xác định theo thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính.

3. Thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường:

a) Khoảng thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự làm cho người có quyền yêu cầu bồi thường quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 5 của Luật này không thể thực hiện được quyền yêu cầu bồi thường;

b) Khoảng thời gian mà người bị thiệt hại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi chưa có người đại diện theo quy định của pháp luật hoặc người đại diện đã chết hoặc không thể tiếp tục là người đại diện cho tới khi có người đại diện mới.

4. Người yêu cầu bồi thường có nghĩa vụ chứng minh khoảng thời gian không tính vào thời hiệu quy định tại khoản 3 Điều này.

Hỏi: Những căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Đáp: Luật TNBTCNN năm 2017 quy định về căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước như sau:

- Bổ sung quy định rõ căn cứ "mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại" (điểm c khoản 1 Điều 7).

Việc Luật bổ sung quy định này là nhằm làm rõ hơn các căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

- Sửa đổi toàn diện quy định về căn cứ "Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại các điều 13, 28, 38 và 39 của Luật này" tại điểm a khoản 1 Điều 6 Luật TNBTCNN năm 2009 và căn cứ "Có bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc các trường hợp được bồi thường quy định tại Điều 26 của Luật này" tại điểm a khoản 2 Điều 6 Luật TNBTCNN năm 2009 thành "Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng quy định tại khoản 2 Điều này" (điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 7 Luật TNBTCNN năm 2017).

Việc Luật sửa đổi toàn diện căn cứ này là nhằm quy định rõ các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật tương ứng với các cơ chế giải quyết bồi thường đã được quy định tại Điều 4 về nguyên tắc bồi thường của Nhà nước.

Điều 7. Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

1. Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi có đủ các căn cứ sau đây:

a) Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật này;

c) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.

2. Căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng bao gồm:

a) Có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật này và có yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự giải quyết yêu cầu bồi thường;

b) Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính đã xác định có hành vi trái pháp luật của người bị kiện là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và có yêu cầu bồi thường trước hoặc tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại;

c) Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự đã xác định có hành vi trái pháp luật của bị cáo là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và có yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Hỏi: Nguyên tắc bồi thường của nhà nước được quy định cụ thể như thế nào

Đáp: Luật TNBTCNN năm 2017 đã bổ sung một Điều mới quy định về vấn đề nguyên tắc bồi thường của Nhà nước, trong đó, quy định những vấn đề có tính chất xuyên suốt trong nội dung của Luật. Cụ thể, nguyên tắc bồi thường của Nhà nước được quy định tại Điều 4 đã xác định rõ các vấn đề sau đây:

- Về khuôn khổ pháp lý điều chỉnh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (khoản 1 Điều 4):

Luật TNBTCNN năm 2017 quy định rõ việc bồi thường của Nhà nước chỉ được thực hiện theo quy định của Luật TNBTCNN. Quy định này nhằm quy định rõ khuôn khổ pháp lý điều chỉnh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, theo đó, TNBTCNN được điều chỉnh bằng một khuôn khổ pháp lý riêng là Luật TNBTCNN mà không theo bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào khác. Quy định này cũng là phù hợp với quy định tại Điều 598 BLDS năm 2015, theo đó, quy định dẫn chiếu áp dụng Luật TNBTCNN đối với việc giải quyết trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra.

- Về yêu cầu đối với việc giải quyết bồi thường (khoản 2 Điều 4):

Dưới góc độ coi quan hệ pháp luật về TNBTCNN là một quan hệ đặc thù về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, do đó, Luật TNBTCNN năm 2017 đã quy định những yêu cầu đối với việc giải quyết bồi thường là phải bảo đảm tính "kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật", cũng như phải bảo đảm sự thương lượng trong quá trình giải quyết bồi thường.

- Về các cơ chế giải quyết bồi thường (khoản 3 và khoản 4 Điều 4): Luật TNBTCNN năm 2017 đã xác định rõ các cơ chế giải quyết bồi thường, bao gồm

+ Sau khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại giải quyết yêu cầu bồi thường hoặc có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường theo thủ tục tố tụng dân sự;

+Việc giải quyết yêu cầu bồi thường có thể được thực hiện kết hợp trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính;

+ Người bị thiệt hại có quyền lựa chọn cơ chế giải quyết yêu cầu bồi thường thông qua quyền yêu cầu một trong các cơ quan giải quyết bồi thường thực hiện giải quyết yêu cầu bồi thường, và, khi đã lựa chọn một cơ quan thì không có quyền lựa chọn cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết yêu cầu bồi thường;

Riêng đối với yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực tố tụng hình sự, thì yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực này sẽ được giải quyết theo một cơ chế riêng, theo đó, việc giải quyết bồi thường được thực hiện tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại trước khi có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường theo thủ tục tố tụng dân sự.

Việc quy định đặc thù về cơ chế giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự là bởi, trong quá trình thảo luận cho ý kiến về dự thảo Luật TNBTCNN (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV thì có ý kiến đề nghị không quy định việc kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự tại Tòa án cũng như không quy định việc khởi kiện trực tiếp ra Tòa án sau khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường đối với các trường hợp được bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự để gắn trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự với sai phạm và thiệt hại do người tiến hành tố tụng thuộc thẩm quyền quản lý của mình gây ra. Ý kiến này đã được tiếp thu trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

- Về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây ra thiệt hại (khoản 5 Điều 4):

Luật TNBTCNN quy định trường hợp người bị thiệt hại có một phần lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì Nhà nước chỉ bồi thường phần thiệt hại sau khi trừ đi phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người bị thiệt hại. Quy định này là phù hợp với quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại của BLDS năm 2015.

Điều 4. Nguyên tắc bồi thường của Nhà nước

1. Việc bồi thường của Nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật này.

2. Việc giải quyết yêu cầu bồi thường được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật; được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật này.

Việc giải quyết yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại theo quy định tại Mục 1 Chương V của Luật này.

3. Người yêu cầu bồi thường đã yêu cầu một trong các cơ quan giải quyết bồi thường quy định tại khoản 7 Điều 3 của Luật này giải quyết yêu cầu bồi thường và đã được cơ quan đó thụ lý giải quyết thì không được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 52 của Luật này.

4. Nhà nước giải quyết yêu cầu bồi thường sau khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường hoặc kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án đối với yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự theo quy định của Luật này.

5. Trường hợp người bị thiệt hại có một phần lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì Nhà nước chỉ bồi thường phần thiệt hại sau khi trừ đi phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người bị thiệt hại.

Hỏi: Trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính?

Đáp: Trong lĩnh vực quản lý hành chính, so với quy định tại Điều 13 Luật TNBTCNN năm 2009, tại Điều 17 Luật TNBTCNN năm 2017 có các trường hợp được bổ sung sau đây:

- Đối với trường hợp được bồi thường do bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính, bổ sung thêm 02 biện pháp: (1) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm (Điểm b khoản 3 Điều 17); (2) Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng (Điểm c khoản 3 Điều 17). 2 biện pháp mới được Luật bổ sung là nhằm bảo đảm phù hợp với Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, đồng thời tăng cường tính minh bạch, thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

- Đối với trường hợp được bồi thường do bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, bổ sung 01 biện pháp: Giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điểm a khoản 5 Điều 17). Biện pháp mới được Luật bổ sung là nhằm phù hợp với Điều 89 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

- Bổ sung trường hợp được bồi thường "Không áp dụng hoặc áp dụng không đúng quy định của Luật tố cáo các biện pháp bảo vệ người tố cáo khi người đó yêu cầu" (khoản 6 Điều 17). Việc Luật bổ sung quy định này là để bảo đảm phù hợp với điểm d khoản 1 Điều 35 của Luật Tố cáo năm 2011 (được kế thừa trong dự thảo Luật Tố cáo trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 3), đồng thời quy định cụ thể hơn từng trường hợp được bồi thường để bảo đảm tính khả thi.

- Bổ sung trường hợp được bồi thường do "Thực hiện hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin về cố ý cung cấp thông tin sai lệch mà không đính chính và không cung cấp lại thông tin" (khoản 7 Điều 17). Việc bổ sung quy định này là để bảo đảm thống nhất với khoản 2 Điều 15 của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; đồng thời, giới hạn chỉ bồi thường trong một trường hợp cụ thể gắn với lỗi cố ý của người thi hành công vụ.

- Bổ sung trường hợp được bồi thường do "hoàn thuế" trái pháp luật vào lĩnh vực thuế vào khoản 9 Điều 17.

- Bổ sung trường hợp được bồi thường do "Ra quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống" (khoản 14 Điều 17). Việc bổ sung quy định này là bởi, Luật Khiếu nại năm 2011 và Luật Tố tụng hành chính năm 2010 (nay là Luật Tố tụng hành chính năm 2015) đã mở rộng phạm vi khiếu nại và phạm vi khởi kiện vụ án hành chính, trong đó, bao gồm cả "quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật" (Khoản 2 Điều 30 Luật Tố tụng hành chính năm 2015)

Điều 17. Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính

Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:

1. Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trái pháp luật;

2. Áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính trái pháp luật;

3. Áp dụng một trong các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính sau đây trái pháp luật:

a) Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;

b) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm;

c) Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng;

4. Áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trái pháp luật;

5. Áp dụng một trong các biện pháp xử lý hành chính sau đây trái pháp luật:

a) Giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

b) Đưa vào trường giáo dưỡng;

c) Đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc;

d) Đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

6. Không áp dụng hoặc áp dụng không đúng quy định của Luật Tố cáo các biện pháp sau đây để bảo vệ người tố cáo khi người đó yêu cầu:

a) Đình chỉ, tạm đình chỉ, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý kỷ luật hoặc quyết định khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tố cáo; khôi phục vị trí công tác, vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người tố cáo tại nơi công tác;

b) Đình chỉ, tạm đình chỉ, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính, hành vi hành chính xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tố cáo; khôi phục các quyền, lợi ích hợp pháp của người tố cáo đã bị xâm phạm tại nơi cư trú;

c) Áp dụng biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo theo quy định của pháp luật;

7. Thực hiện hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin về cố ý cung cấp thông tin sai lệch mà không đính chính và không cung cấp lại thông tin‎;

8. Cấp, thu hồi, không cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép và các giấy tờ có giá trị như giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trái pháp luật;

9. Áp dụng thuế, phí, lệ phí trái pháp luật; thu thuế, phí, lệ phí trái pháp luật; truy thu thuế, hoàn thuế trái pháp luật; thu tiền sử dụng đất trái pháp luật;

10. Áp dụng thủ tục hải quan trái pháp luật;

11. Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư trái pháp luật; cấp hoặc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trái pháp luật;

12. Ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trái pháp luật;

13. Cấp văn bằng bảo hộ khi có căn cứ pháp luật cho rằng người nộp đơn không có quyền nộp đơn hoặc có căn cứ pháp luật cho rằng đối tượng không đáp ứng điều kiện bảo hộ; từ chối cấp văn bằng bảo hộ với lý do đối tượng không đáp ứng điều kiện bảo hộ mà không có căn cứ pháp luật; chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ mà không có căn cứ pháp luật;

14. Ra quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống.

Hỏi: Trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự?

Đáp: Trong lĩnh vực tố tụng hình sự, so với quy định tại Điều 26 Luật TNBTCNN năm 2009, tại Điều 18 Luật TNBTCNN năm 2017 có 02 trường hợp được bổ sung mới là:

- Bổ sung trường hợp "Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật" (khoản 1 Điều 18). Việc Luật bổ sung trường hợp này là nhằm bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 31 BLTTHS năm 2015: "người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án oan, trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án oan, trái pháp luật do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra" (khoản 1 Điều 31 BLTTHS năm 2015), đồng thời, bảo đảm cụ thể và chặt chẽ hơn, bảo đảm tính khả thi, đồng thời bảo đảm hoạt động bình thường của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

- Bổ sung trường hợp "Pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi của pháp nhân không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được pháp nhân đã thực hiện tội phạm và pháp nhân đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật" (khoản 9 Điều 18). Việc Luật bổ sung trường hợp này là bởi theo quy định của BLHS năm 2015 thì "pháp nhân thương mại" được bổ sung là một chủ thể của tội phạm. Chính vì vậy, nếu pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy trố, xét xử, thi hành án trái pháp luật thì sẽ được bồi thường.

Hỏi: Trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính?

Đáp: Trong lĩnh vực tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, tại Điều 19 Luật TNBTCNN năm 2017 đã sửa đổi quy định tại khoản 4 Điều 28 Luật TNBTCNN năm 2009 - "Ra bản án, quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án" - theo hướng: Bỏ lỗi cố ý và tách thành 02 khoản để quy định rõ ràng hơn, cụ thể:

- Quy định cụ thể trường hợp bồi thường "Ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị cơ quan có thẩm quyền kết luận là trái pháp luật mà người ra bản án, quyết định đó bị xử lý kỷ luật, xử lý trách nhiệm hình sự" (khoản 5 Điều 19).

- Cụ thể hóa nội dung làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc bằng các hành vi cụ thể: "Thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng các tài liệu, chứng cứ hoặc bằng các hành vi khác làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc dẫn đến việc ban hành bản án, quyết định trái pháp luật" (khoản 6 Điều 19).

Việc sửa đổi quy định tại khoản 4 Điều 28 Luật TNBTCNN năm 2009 thành các khoản 5 và 6 Điều 19 Luật TNBTCNN năm 2017 như trên là phù hợp với quy định của BLTTDS năm 2015, Luật TTHC năm 2015 và làm rõ hơn căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người đã ra bản án, quyết định. Quy định như vậy cũng bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn hoạt động của Tòa án.

Hỏi: Trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động thi hành án hình sự?

Đáp: Trong lĩnh vực thi hành án hình sự, Điều 20 Luật TNBTCNN năm 2017 kế thừa các quy định về phạm vi TNBTCNN trong hoạt động thi hành án hình sự đã được quy định tại Điều 39 Luật TNBTCNN 2009 và Thông tư liên tịch (TTLT) số 11/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 06/11/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án hình sự. Đồng thời, Luật TNBTCNN năm 2017 đã bổ sung thêm 01 trường hợp được bồi thường là: "Không thực hiện quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện của Tòa án đối với người bị kết án phạt tù". Việc bổ sung trường hợp được bồi thường nêu trên là để phù hợp với quy định của Luật THAHS năm 2010.

Điều 20. Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án hình sự

Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:

1. Thi hành án tử hình đối với người thuộc trường hợp không bị thi hành án tử hình quy định tại Bộ luật Hình sự;

2. Giam người bị kết án phạt tù quá thời hạn phải thi hành án theo bản án, quyết định của Tòa án;

3. Không thực hiện một trong các quyết định sau đây:

a) Hoãn thi hành án của Tòa án đối với người bị kết án phạt tù;

b) Tạm đình chỉ thi hành án của Tòa án đối với người đang chấp hành hình phạt tù;

c) Giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù của Tòa án đối với người đang chấp hành hình phạt tù;

d) Tha tù trước thời hạn có điều kiện của Tòa án đối với người bị kết án phạt tù;

đ) Đặc xá của Chủ tịch nước đối với người bị kết án phạt tù được đặc xá;

e) Đại xá của Quốc hội đối với người bị kết án được đại xá.

Hỏi: Trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự?

Đáp: Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, Điều 21 Luật TNBTCNN năm 2017 đã sửa đổi quy định tại Điều 38 Luật TNBTCNN năm 2009 theo hướng bỏ lỗi cố ý đối với trường hợp "không ra các quyết định về thi hành án" và trường hợp "không tổ chức thi hành án các quyết định về thi hành án". Việc bỏ lỗi cố ý như trên là bởi quy định của BLDS năm 2015 về các căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có sự thay đổi về yếu tố lỗi của người gây ra thiệt hại, cụ thể là, BLDS năm 2005 quy định lỗi là một yếu tố bắt buộc (khoản 1 Điều 604 - "Người nào do lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm…".), trong khi đó, BLDS năm 2015 không quy định lỗi là một yếu tố bắt buộc (khoản 1 Điều 584 - "Người nào có hành vi xâm phạm…".). Như vậy, quy định nêu trên của BLDS năm 2015 đã đặt ra yêu cầu đối với Luật TNBTCNN là cần phải sửa đổi quy định về căn cứ xác định TNBTCNN, theo đó, lỗi không còn được coi là một yếu tố bắt buộc trong mọi trường hợp

Tại Điều 21 quy định:

Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự

Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:

1. Ra hoặc không ra một trong các quyết định sau đây trái pháp luật:

a) Thi hành án;

b) Hủy, thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án;

c) Áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án;

d) Cưỡng chế thi hành án;

đ) Hoãn thi hành án;

e) Tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án;

g) Tiếp tục thi hành án;

2. Tổ chức thi hành hoặc không tổ chức thi hành một trong các quyết định quy định tại khoản 1 Điều này trái pháp luật.

Quay lại
Video
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
THƯ VIỆN ẢNH