Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương (trước đây là tỉnh Hải Hưng) được thành lập theo Quyết định số 01/TC ngày 04/01/1982 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc thành lập hệ thống tư pháp 3 cấp trên địa bàn tỉnh, trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh do đồng chí Vũ Hoan làm Giám đốc. Về biên chế của Sở Tư pháp lúc đầu chỉ có 5 người, đến tháng 12/1982 có 15 cán bộ với 6 phòng chuyên môn. Nhiệm vụ chủ yếu của Sở là: Quản lý thống nhất việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của các cơ quan tỉnh, lập chương trình ban hành văn bản QPPL hàng năm của Uỷ ban nhân dân; Hướng dẫn các cơ quan về mặt nghiệp vụ công tác dự thảo văn bản pháp quy, thẩm tra văn bản trước khi Uỷ ban nhân dân ban hành hoặc trình Hội đồng nhân dân thông qua; Thẩm tra tính hợp pháp của các văn bản pháp quy do các cơ quan thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh và Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành. Quản lý về mặt tổ chức Tòa án nhân dân cấp huyện; Quản lý các công tác tư pháp khác tại địa phương bao gồm: công chứng, giám định tư pháp, quản lý đăng ký hộ tịch, chấp hành án, hoạt động luật sư, hội thẩm nhân dân…; Xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật ở địa phương; Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thuộc hệ thống ngành Tư pháp theo sự phân cấp của Bộ Tư pháp; Tổng kết tình hình ban hành văn bản pháp quy, tình hình thi hành pháp luật tại địa phương; Tư vấn cho Uỷ ban nhân dân tỉnh về pháp lý. Năm 1987, ngành Tư pháp nhận bàn giao công tác quản lý và đăng ký hộ tịch từ ngành công an chuyển sang.
Ngày 04/6/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/CP Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp, đồng thời xác định rõ hệ thống ngành Tư pháp từ trung ương đến địa phương có 4 cấp là Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Ban Tư pháp. Theo đó, Ban Tư pháp được củng cố kiện toàn, Phòng Tư pháp được thành lập. Các phòng, đơn vị thuộc Sở được tái thành lập, có nhiều phòng được thành lập mới. Nhiều nhiệm vụ mới được giao như: quản lý Thi hành án dân sự, trợ giúp pháp lý, quản lý các tổ chức giám định tư pháp, luật sư, cấp Phiếu lý lịch tư pháp, dịch vụ bán đấu giá tài sản, theo dõi thi hành pháp luật, quản lý tổ chức pháp chế ngành, quản lý công tác bồi thường nhà nước, quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch bảo đảm…Mặc dù nhiệm vụ càng ngày càng được tăng cường nhưng với quyết tâm cao và nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành, hầu hết các nhiệm vụ đều được hoàn thành, có những nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc được Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ghi nhận.